Nghị định mới của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay
ADMIN     6109 lượt xem
   

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 102/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay (CHK, SB). Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2015 và thay thế Nghị định 83/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007.

Các nội dung cơ bản của Nghị định bao gồm: Nguyên tắc và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan đến quản lý, khai thác CHK, SB; quy hoạch và thực hiện quy hoạch CHK, SB; thủ tục mở, đóng CHK, SB; quản lý hoạt động khai thác tại CHK, SB và khu vực lân cận; sân bay dùng chung dân dụng và quân sự; bán, thế chấp, cho thuê, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất CHK, SB; hoạt động kinh doanh tại CHK, SB.


Về trách nhiệm của người khai thác CHK, SB, Nghị định nêu rõ:Người khai thác CHK, SB phải duy trì đủ điều kiện cấp giấy đăng ký, giấy chứng nhận khai thác CHK, SB; chủ trì điều phối việc đảm bảo chất lượng dịch vụ tại CHK, SB; Quản lý, khai thác đồng bộ kết cấu hạ tầng, trang bị, thiết bị của CHK, SB thuộc phạm vi được giao quản lý đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, tài liệu khai thác CHK, SB; duy trì khai thác CHK, SB theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng; phối hợp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh hoặc phòng, chống dịch bệnh tại CHK, SB; Ký hợp đồng giao kết khai thác theo quy định với doanh nghiệp được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép cung cấp dịch vụ hàng không tương ứng tại CHK, SB; Thực hiện bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng, trang bị, thiết bị của CHK, SB thuộc phạm vi được giao quản lý theo quy định và Thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.

Đối với việc kiểm soát hoạt động tại CHK, SB, Nghị định quy định như sau: Người, đồ vật, phương tiện vào, rời, hoạt động tại khu vực hạn chế của CHK, SB chịu sự kiểm tra, giám sát về an ninh, an toàn hàng không, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; Cục Hàng không Việt Nam tổ chức, giám sát việc đăng kiểm kỹ thuật của phương tiện chuyên ngành hoạt động tại CHK, SB; Cảng vụ hàng không cấp, thu hồi biển số hoạt động của phương tiện chuyên ngành hoạt động tại CHK, SB.

Về hoạt động kinh doanh tại CHK, SB:

Nghị định quy định rõ Danh mục dịch vụ hàng không tại CHK, SB, bao gồm: Dịch vụ khai thác nhà ga hành khách; Dịch vụ khai thác khu bay; Dịch vụ khai thác nhà ga, kho hàng hóa; Dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, bao gồm dịch vụ không lưu, dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát; dịch vụ khí tượng hàng không; dịch vụ thông báo tin tức hàng không; dịch vụ tìm kiếm cứu nạn; Dịch vụ cung cấp xăng dầu hàng không; Dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; Dịch vụ cung cấp suất ăn hàng không; Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị hàng không; Dịch vụ kỹ thuật hàng không; Dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không.

Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định là quy định về Vốn tối thiểu đối với việc thành lập và duy trì điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp CHK, SB và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không:

Theo đó, Nghị định quy định vốn tối thiểu đối với việc thành lập và duy trì điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không tại CHK, SB, đối với doanh nghiệp cảng hàng không kinh doanh tại cảng hàng không quốc tế là 200 tỷ đồng; kinh doanh tại cảng hàng không nội địa là 100 tỷ đồng.

Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không gồm khai thác nhà ga hành khách; khai thác khu bay; khai thác nhà ga, kho hàng hóa; bảo đảm hoạt động bay (bao gồm dịch vụ không lưu, dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát; dịch vụ khí tượng hàng không; dịch vụ thông báo tin tức hàng không; dịch vụ tìm kiếm cứu nạn); cung cấp xăng dầu hàng không; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; cung cấp suất ăn hàng không, vốn tối thiểu là 30 tỷ đồng.

Trong khi, vốn tối thiểu đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị hàng không; dịch vụ kỹ thuật hàng không; dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không là 10 tỷ đồng Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác bay, dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát… phải có tỷ lệ vốn nhà nước không thấp hơn 65% vốn điều lệ, tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ.

Đáng lưu ý, Nghị định quy định, doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không tại CHK, SB phải là pháp nhân Việt Nam. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, dịch vụ cung cấp xăng dầu hàng không, dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất, tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 30% vốn điều lệ.

Các hãng hàng không không được chiếm quá 30% tỷ lệ vốn điều lệ đối với doanh nghiệp cảng hàng không; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác nhà ga hành khách hoặc nhà ga hàng hóa.

Tải tại đây toàn văn Nghị định 102/2015/NĐ-CP.
Chia sẻ bài viết này
   
Lên đầu trang